Tháng 4 đầu năm nay, những người có quan tâm chút ít đến chuyện đất đai, nhà cửa bị choáng bởi cảnh người dân xếp hàng từ 1h30 sáng để được đăng ký mua căn hộ tại Ecopark (Hưng Yên). Cho đến lúc chính thức mở bán, đoàn người xếp hàng đã kéo dài hơn 300m từ khu vực sảnh bán hàng ra đến ngoài đường lớn của khu đô thị. Sau 1 tháng, 2.000 căn hộ hết veo.
Giá thành căn hộ chỉ từ 688 triệu đồng/căn là lý do chính khiến mọi người quyết tâm mua nhà tại dự án này. Nhưng rõ ràng không chỉ có vậy. Ai đã đến Ecopark đều không khỏi trầm trồ trước môi trường sống trong lành như một cánh rừng nhưng lại tiện nghi hiện đại không thua trong thành phố.
Phải phát triển môi trường trước khi xây nhà – Đó là quan điểm đầu tư của doanh nhân Lương Xuân Hà, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico). Chính vì thế, ngay khi triển khai dự án Ecopark, ông đã mua hàng ngàn cây xanh để đem về đây, kiến tạo nên “khu rừng” này.
Chủ tịch hội đồng quản trị Ecopark- Lương Xuân Hà
Là một thanh niên Hà Nội nhưng năm 18 tuổi, ông Lương Xuân Hà nhập ngũ và dừng bước đường học hành. Rời quân ngũ, ông theo nghề của cha, trở thành một thợ thủ công sửa chữa đồng hồ trên phố Hàng Bông. Sau khi lấy vợ, 2 vợ chồng ông thuê một cửa hàng ở 59 Hàng Đào để kinh doanh đồng hồ.
Trước năm 1990, kinh doanh đồng hồ là một công việc “hái ra tiền”, nhất là khi cửa hàng lại đặt ngay phố cổ sầm uất. Đi lên từ đó, đầu thập niên, ông cùng bạn bè mở một salon ô tô trên đường Nguyễn Văn Cừ. Bước đi gần nhất tiến đến lĩnh vực bất động sản có thể nói là việc ông vay tiền mua lại biệt thự cổ ở số 17A Trần Hưng Đạo để biến nó thành khách sạn nhỏ mang tên Desyloia và mở nhà hàng Cây Cau.
Khách sạn Desyloia tuy chỉ có 33 phòng nhưng kinh doanh rất thành công. Ngay từ khi mở, ông Hà đã thuê một người Pháp làm giám đốc quản lý. Còn về kinh doanh nhà hàng, ngay gia đình vợ ông cũng là một gia đình có nhiều nhà hàng có tiếng tại Hà Nội như nhà hàng Nam Phương, San Hô, Cầu Gỗ.
Ý tưởng về Ecopark hình thành năm 2004, khi mà những dự án phát triển BĐS lớn nhất Việt Nam đều do nước ngoài thực hiện. Chia sẻ với Forbes, ông Hà cho biết muốn phát triển một dự án lớn, do người Việt Nam làm, tạo công ăn việc làm và tạo được giá trị cho người Việt Nam.
“Làm có khó đâu mà sao toàn rơi vào tay người nước ngoài?” – Ông chủ dự án từng thốt lên như vậy nhưng Ecopark khởi động cũng không hoàn toàn thuận lợi. Hưng Yên là một tỉnh gần Hà Nội nhưng không phải là Hà Nội. Việt Hưng đã phải xây đường nối cầu Thanh Trì, làm cơ sở hạ tầng. Song khó khăn đó chưa là gì so với việc xảy ra vụ tranh chấp đất đai giữa mấy chục hộ dân Văn Giang với chính quyền tỉnh Hưng Yên khi thực hiện giao đất cho dự án. Rồi lại đến chuyện ra đời không đúng thời điểm. Năm 2007, khi thị trường BĐS đang nóng thì Ecopark chưa có gì để bán. Đến khi tung hàng ra thì thị trường lại nguội ngắt.
Thực tế để vượt qua những khó khăn ấy, gia đình của doanh nhân Lương Xuân Hà phải là một gia đình giàu có và “trường vốn” vì họ rất thận trọng, hạn chế tối đa việc vay vốn ngân hàng. Nói trên Forbes, ông Hà bảo, ông chấp nhận đi những bước thận trọng, không phát triển mạnh trong giai đoạn khó khăn, chăm chút khu đô thị Ecopark. Quan điểm ấy có lẽ bắt nguồn từ tính cách của một người thợ sửa đồng hồ chỉn chu và tinh tế.
“Trong kinh doanh không nên phụ thuộc vào thị trường vì như thế mình không phải là người phát triển mà chỉ là người bán hàng. Tôi thích bán một sản phẩm có thể không phải là tốt nhất nhưng mà là sản phẩm được nhiều người ưa thích nhất. Tôi thích làm một sản phẩm tôi thích và thị trường thích. Với nền kinh tế thu nhập đầu người còn thấp thì phải có sản phẩm cả khi thị trường đóng băng cũng bán được.”
Với tình trạng cháy hàng tại Ecopark vừa qua, quan điểm kinh doanh của ông Lương Xuân Hà đã được chứng minh là đúng đắn. Đứa con Ecopark mà ông chăm chút thực sự là một nơi đáng sống. Ecopark không chỉ là một mảnh đất, mà là một môi trường. Tại khu đô thị này cũng có một nhà hàng Cây Cau trên phố Ẩm Thực – một dấu ấn khác của ông chủ đã kiến tạo nên thành phố.
Chia sẻ với Forbes, ông Lương Xuân Hà nói, mặc dù chưa qua trường lớp cao cấp nhưng ông có thành công như hôm nay là nhờ học hỏi những người xung quanh.
“Tài sản quanh chúng ta, tất cả những người quanh ta đều có một ý tưởng, khả năng tư duy về lĩnh vực nào đó, và đó là tài sản… Tôi nghiệm lại cuộc đời tôi đi được đến ngày hôm nay là vì tôi có những người bạn bè, anh em đóng góp ý kiến cho tôi. Điều quan trọng là chắt lọc lại thành tài sản của chúng ta…”